Du lịch hè 2024: Xu thế du lịch nội vùng lên ngôi
Thanh Hóa, TTP.HCM, Đà Lạt và Quảng Ninh là một vài địa phương có lượng khách và doanh thu khủng trong kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 vừa qua. Dự đoán về xu hướng du lịch nội địa hè năm nay, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP du lịch và sự kiện Vitraco (Đà Nẵng) cho rằng thị trường du lịch trong nước sẽ chủ yếu tập trung vào 2 phân khúc đó là đường bộ nội vùng và đường bay nước ngoài.
TOUR ĐƯỜNG BỘ NỘI VÙNG ĐẮT KHÁCH
Tại thị trường miền Bắc, ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng ban Quản lý và phát triển hội viên, CLB Lữ hành Unesco Hà Nội cho biết: với phân khúc khách Việt đi trong nước, năm nay do giá vé máy bay tăng 150 - 200% so với 2023, (chỉ riêng vé series đường bay Phú Quốc đã tăng giá từ 4 – 6 triệu năm trước lên 6 - 8,5 triệu), nên chúng tôi chỉ dám ôm series đường bay có mức giá từ 3,5 triệu đổ lại như Đà Nẵng.
Đồng thời, mùa du lịch hè năm nay các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Lữ hành Unesco tập trung khai thác các sản phẩm du lịch đường bộ. Tour đường bộ ở đây các sản phẩm ngắn ngày sử dụng phương tiện là ô tô và tàu hỏa.
Theo đó, các đơn vị thành viên của CLB Unesco Hà Nội chủ yếu khai thác phân khúc khách đoàn số lượng lớn với các tuyến điểm du lịch như Thanh Hóa (Sầm Sơn, Hải Hòa); Nghệ An (Cửa Lò, Cửa Hội); Hà Tĩnh (Thiên Cầm); Quảng Bình (Đồng Hới, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng); Lào Cai (Sapa); Hải Phòng (Cát Bà); Quảng Ninh (Vịnh Hạ Long, Cô Tô)…
“Nếu như mọi năm chúng tôi hạn chế khai thác tour khách đoàn đường bộ thì năm nay sẽ tập trung khai thác combo trọn gói tour đường bộ bằng ô tô trong tầm bán kính 500km đổ lại, thời gian kéo dài từ 2 - 5 ngày, giá thành phù hợp túi tiền từ 2,5 - 5 triệu/tour”, ông Cường cho hay. "Với các tour đường dài Bắc – Nam bằng đường hàng không, chúng tôi vẫn đang đợi xem các hãng có vé máy bat kích cầu giá tốt hay không để xây dựng sản phẩm, vì hiện tại giá vé rất cao”.
Cùng quan điểm khi nhận định về xu hướng thị trường nội địa năm nay, bà Hạnh Trần, giám đốc lữ hành Mỹ Phúc Happy Travel dự đoán Hạ Long, Thanh Hóa, Cát Bà… năm nay sẽ là điểm du lịch hút khách do thỏa mãn được tiêu chí dịch chuyển bằng đường bộ trong bán kính 300km. “Mỗi cá nhân chỉ cần ngân sách tầm 2 triệu đồng là đã có thể đi du lịch rồi,” bà Hạnh nói.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các địa phương phía Nam. Theo bà Hồ Thủy, đại diện Vietluxtour, “đa số khách du lịch trong nước mùa hè năm nay chọn di chuyển bằng xe ô tô vì giá cả hợp lý hơn. Việc đưa các tuyến cao tốc mới vào lưu thông rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển nên du lịch đường bộ cũng thuận tiện hơn. Nhu cầu đặt tour di chuyển trên các cung đường có cao tốc như Phan Thiết và miền Tây năm nay tăng đột biến”.
Tại miền Trung, các công ty lữ hành khai thác khách từ hai đầu Nam – Bắc tại Đà Nẵng dự báo họ sẽ “gãy” ít nhất 40% kế hoạch hè năm nay. Trưởng phòng khách lẻ của OmegaTours Đà Nẵng, ông Huỳnh Kiều Anh Tuấn phân tích: “Khách tới miền Trung hoàn toàn không đi tour, mà chủ yếu đi lẻ. Công ty lữ hành hầu như không khai thác được dịch vụ gì từ bán tour, vé máy bay, book khách sạn, xe, nhà hàng. Các chuyến bay của Vietjet về miền Trung vẫn “full” dịp lễ nhưng khách chủ yếu là nhóm gia đình cá nhân đi chơi. Địa phương vẫn sẽ có khách, nhưng công ty du lịch thì không có doanh thu”.
Để có sản phẩm phù hợp với túi tiền của người dân, hè năm nay nhiều công ty lữ hành tại miền Trung cũng chuyển hướng khai thác du lịch đường sắt hành trình đi Đồng Hới, Lào Cai, Huế, Đà Nẵng... Chẳng hạn, hè năm nay, Ánh Dương Travel, một thành viên của CLB cũng đưa vào khai thác chater đường sắt tuyến Hà Nội – Quảng Bình...
Tuy nhiên, theo đại diện CLB Unesco Hà Nội, các sản phẩm du lịch đường sắt cũng gặp khó khăn do giá vé tàu khá cao, số lượng vé cũng không nhiều do nguồn cung có hạn. Đến thời điểm này, tàu 4 sao đi Đà Nẵng là SE19, 20 đã bán hết vé. Hiện chỉ còn tàu QB1, QB2 đi Quảng Bình, nhưng giá theo hợp đồng cao ảnh hưởng tới giá tour.
KHÁCH ĐOÀN CHUỘNG ĐƯỜNG BAY QUỐC TẾ
Du lịch hè cũng là mùa cao điểm khách đoàn. "Thế nhưng, từ đầu mùa, khách hàng là các đơn vị đoàn thể của Vitraco Tour đã báo luôn là thay vì bay Hà Nội, Sapa, Hạ Long để nghỉ hè thì năm nay họ sẽ chọn các tuyến nước ngoài có giá rẻ hơn bay trong nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan”, Phó TGĐ Vitratour Lê Tấn Thanh Tùng thông tin.
Lý giải về sự lựa chọn này, theo bà Hồ Thủy – Vietluxtour: “Mùa hè nắng nóng nên khách chọn đi nước ngoài để hưởng khí hậu mát và quan trọng là vé máy bay rẻ dẫn đến giá thành chung của du lịch nước ngoài tốt hơn du lịch nội địa”.
Chủ yếu khai thác thị trường khách Hà Nội và các tỉnh giáp ranh đi du lịch nước ngoài, mùa du lịch hè 2024 CLB Lữ hành Unesco Hà Nội đang đang khai thác rất tốt các tuyến Thượng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô, Cửu Trại Câu,... Các tour này vẫn đang chạy hàng ngày. Với thị trường ĐNA, CLB Unesco chủ yếu khai thác sản phẩm có lượng khách lớn như Thái Lan, Malaysia, Singapore (bay Vietnam Airlines, VietJet Air, Vietravel Airlines) và một số sản phẩm khác tùy theo thế mạnh của từng đơn vị như châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
“Nếu có sự tăng giá ở một số sản phẩm chỉ có thể là do tỷ giá một số đồng ngoại tệ biến động, chi phí, thuế lệ phí sân bay có sự thay đổi, nhưng mức tăng cũng không đáng kể. Do đó, với sản phẩm đường bay, nếu khách có nhu cầu và điều kiện thì chúng tôi vẫn đáp ứng. Có điều số lượng khách sẽ giảm là không tránh khỏi”, ông Cường nói.
Mặc dù vé máy bay quốc tế vẫn có mức giá hợp lý, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dám ôm booking series để bán cho khách. Theo ông Huỳnh Kiều Anh Tuấn, “kinh tế khó khăn nên đối tác của chúng tôi cũng cắt giảm ngân sách du lịch hè cho cán bộ nhân viên. Do vậy, chỉ lữ hành lớn như Vietravel, SaigonTourist, HàNội Tourist mới dám ôm booking serries vé".
"Nhưng về cơ bản, công ty nào đã nắm được vé serries đều bán được hết tour. Các công ty nhỏ lượng khách ít đành phải ghép khách với lữ hành lớn nhưng lợi nhuận thu được cũng không đáng kể. Đơn vị lữ hành nhỏ nào tự làm đoàn, lấy vé lẻ, lên đoàn… thì thật sự chỉ lời 5%, đủ trang trải chi phí vận hành và để giữ khách,” ông Tuấn ngậm ngùi.